XỬ LÝ BÙN THẢI NGÀNH CÔNG NGHIỆP DỆT NHUỘM: VẤN ĐỀ THÁCH THỨC ĐẦY TIỀM NĂNG

Trong những năm gần đây, dệt nhuộm là một ngành kinh tế mũi nhọn chiến lược, thu hút nhiều nguồn lực cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ. Theo các chuyên gia, đây cũng là ngành thải ra lượng nước thải và bùn thải khổng lồ, sinh ra những chất ô nhiễm nhất trong suốt lịch sử phát triển công nghiệp của con người. Nếu không có những phương pháp, hệ thống xử lý an toàn sẽ ảnh hưởng nặng nề tới môi trường.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc nắm được đặc điểm, phương pháp xử lý hiệu quả đối với bùn thải từ ngành công nghiệp dệt nhuộm, từ đó có phương án lựa chọn phù hợp với doanh nghiệp.

ĐẶC ĐIỂM CỦA BÙN THẢI DỆT NHUỘM

Bùn thải dệt nhuộm là thành phần cần xử lý sau cùng để hoàn tất quá trình xử lý nước thải. Bùn thải tập trung chủ yếu từ khâu xử lý hóa lý hoặc vi sinh và được thu gom tại bể chứa bùn, sau đó được đưa vào máy ép bùn để ép thành chất thải rắn. Bùn thải dệt nhuộm thường có đặc trưng như sau:

  • Màu sắc: màu đen, xanh hoặc đỏ ngả nâu.
  • Mùi: thường có mùi hôi thối, mùi hóa chất như phèn, …
  • Thành phần cấu tạo: hóa chất khử màu, phèn, polymer, hóa phẩm màu công nghiệp,

Với những đặc trưng như trên, nếu bùn thải dệt nhuộm không được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường sẽ gây ra ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, sinh vật, … Chính vì thế, chúng ta cần nắm rõ quy trình sản xuất và công nghệ xử lý để phân loại dạng bùn thải, từ đó có hướng xử lý tối ưu và hiệu quả nhất. Bùn thải dệt nhuộm gồm các dạng chính:

Dạng bùn thải Quá trình hình thành Đặc điểm Thành phần
Bùn thải sơ cấp Từ quá trình lắng trong các bể lắng sơ cấp, nơi các chất rắn lơ lửng có kích thước lớn bị loại bỏ. Chứa nhiều chất hữu cơ dễ phân hủy, các hạt lớn, màu sắc đậm. Gồm các sợi vải, mảnh vải, các hạt màu, chất bẩn hữu cơ...
Bùn thải sinh học Từ quá trình xử lý sinh học, nơi vi sinh vật phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải. Có hàm lượng chất hữu cơ thấp hơn bùn sơ cấp, độ nhớt cao, màu sắc sẫm. Chủ yếu là tế bào vi sinh vật, một phần chất hữu cơ chưa phân hủy hoàn toàn.
Bùn thải hóa học Từ quá trình xử lý hóa học, khi sử dụng các hóa chất để kết tủa hoặc hấp phụ các chất ô nhiễm. Chứa hóa chất trong quá trình sản xuất và xử lý nước thải. Thành phần hóa học phức tạp, tùy thuộc vào loại hóa chất sử dụng. Có thể chứa các kim loại nặng, muối vô cơ.

Dựa vào sự phân loại như trên, dễ dàng nhận thấy bùn thải dệt nhuộm là loại bùn công nghiệp nguy hại cần có kết quả phân tích cụ thể để lựa chọn phương pháp thu gom sau xử lý phù hợp để tránh ảnh hưởng đến cộng đồng.

Sản phẩm của quá trình xử lý bùn thải dệt nhuộm là chất thải rắn có độ ẩm tương đối ổn định, thường thu được qua các phương pháp xử lý sau:

CÁC PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ BÙN THẢI DỆT NHUỘM
  • Xử lý cơ học: Làm đặc và tách nước để giảm khối lượng bùn thải bằng cách sử dụng máy ép bùn như máy khử nước tách ép bùn dạng đa đĩa elip Slit Saver, máy ép bùn khung bản, máy ép bùn trục vít, máy ép bùn ly tâm,…
  • Xử lý sinh học: Sử dụng vi sinh vật để phân hủy các chất hữu cơ trong bùn thải.
  • Đốt: Đốt bùn thải ở nhiệt độ cao để tiêu hủy các chất hữu cơ và giảm khối lượng.
  • Chôn lấp an toàn: Chôn lấp bùn thải đã qua xử lý tại các bãi chôn lấp được thiết kế đặc biệt để ngăn chặn rò rỉ chất ô nhiễm.
Tái sử dụng và tái chế:
  • Bùn thải đã qua xử lý có thể được tái sử dụng trong một số ứng dụng như vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng.
  • Các thành phần có giá trị trong bùn thải như kim loại có thể được tái chế.